Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2018

THỜI XA VẮNG






Tuổi thơ tôi là chuỗi ký ức gắn liền với ông ngoại. Một người nghiêm khắc, gia trưởng, kỳ quặc và khó đàm phán nhưng không kém phần vui tính. Ông cho tôi mặc đồ mô đen lai, còn đặt biệt danh Việt giang, vì luôn đóng thùng ngay cả khi ở nhà (cái quần của tôi và cái áo của anh hai). Mái tóc thì bị dọn ngố như cái muỗng dừa úp ngược. Lúc ấy, tôi ra dáng một bé trai, khó mà nhận diện. Mỗi lần được dì tư dẫn đi chơi sở thú, công viên, tôi vui mừng đến nỗi chẳng quan tâm gì nhiều, mặc sức để ông hóa trang trông mắc cười không chịu được. Tất tần tật từ trên xuống dưới toàn là đồ nam, nhưng lại có 2 má hồng to tướng và cả chùm bông khổng lồ nơi đỉnh đầu. Buồn buồn mở albumn cũ ra xem mà tự thấy hề cho mình. Hèn chi ngày xưa chẳng có lấy một người bạn gái, chắc chúng nó thấy tôi dị quá. Dù thế, ông ngoại thương tôi nhiều. Hồi đó ông thường đến trường mẫu giáo rước tôi đi học về bằng chiếc bê xê cũ. Dám cá là phụ huynh cả trường không ai có phương tiện độc và lạ như ông ngoại. Tôi còn nhớ, ngày mình tốt nghiệp, cầm trên tay con vịt hơi, quà được tặng chạy ra cùng chúng bạn hớn hở khoe. Ba mẹ các bạn tôi mua cho chúng kẹo bông gòn. Tôi cứ đinh ninh mình cũng sẽ được sở hữu một cây màu hồng đẹp đẹp. Đưa mắt nhìn xe kẹo gợi ý ông ngoại, vậy mà ông chẳng để tâm. Xoa đầu, bảo:"con giỏi lắm" rồi nắm bàn tay bé xíu của tôi đến quầy trứng gà luộc, mua 2qủa. Ông luôn miệng ca ngợi công dụng bổ dưỡng của trứng gà và phê bình kẹo bông gòn tẩm đường hóa học không tốt cho sức khỏe. Thất vọng tràn trề, nhưng tôi đành câm nín cố ăn cho hết 2qủa trứng vì nếu không làm thế, chắc chắn sẽ bị mắng. Nhưng tôi hạnh phúc. Chỉ cần thấy bóng dáng ông đứng đợi, tôi có cảm giác an toàn tuyệt đối, và không lo sợ bị trêu chọc vì mình cũng có phụ huynh dù là cao niên. Đối với tôi, ông ngoại vừa là cha vừa là mẹ. Nói tới thực đơn của 2 ông cháu, ôi thôi, nó được lặp đi lặp lại một cách nhàm chán. Chiều nào cũng phải nuốt một cái bánh giò (ông bán bánh là bạn thân của ông ngoại). Hằng tối, trước khi đi ngủ, phải giải quyết xong ly sữa đặc ông thọ (tôi rất ghét nó vì quá ngọt). Dĩ nhiên, chấp nhận số phận vẫn là cách duy nhất của đứa trẻ 5tuổi lúc bấy giờ. Thời gian trôi qua, tôi cũng lớn lên theo năm tháng bên ông ngoại, mặc dù không có sinh nhật, mặc dù không có nhà hàng sang trọng, mặc dù không có đồ chơi, tôi cũng chỉ buồn một chút thôi. Bởi vì ông ngoại luôn cho tôi tất cả những gì ông có thể. Mỗi chiếc răng sữa của tôi đều do một tay ông ngoại nhổ nên chúng thích đứng đâu thì đứng ko trật tự tí nào. Đặc biệt, ông chú tôi cũng có 2chiếc răng cửa mọc lệch như tôi vậy, chắc đồng nạn nhân^^. Kể về ông ngoại, không có ngôn từ nào diễn tả hết được. Thấy ông thế, nhưng rất giỏi và đa tài. Ông ngoại tự mua đồ lặc-son về chế thành các vật gia dụng từ cầu thang, chiếc quạt trần tí hon, có cái đèn học mà tôi vẫn giữ đến tận lúc này. (Hồi đại học, trong ký túc xá, tụi bạn hay chọc cây đèn xấu xí, cổ lỗ xỉ ấy, nhưng nó bền và sáng nhất, lại là đồ kỷ niệm nên tôi không nỡ bỏ đi). Riêng tôi hồi nhỏ cũng lắm trò nhiều chiêu. Vì ông ngoại rất khó nên ít cho tiền ăn quà vặt. Lâu lâu vui thì cho 500đồng nhưng chỉ mua được vài cây kẹo. Vậy nên tôi luôn đề nghị nhổ tóc bạc cho ông vì đó là cơ hội tốt nhất để kinh doanh. Tóc mái dài thì ngắt ra làm 3,4 đoạn, rồi nhân lên theo số tiền. Nhưng lấy tiền để dành thế thôi chứ cũng chẳng biết làm gì, vì nào giờ đã quen không ăn vặt. Tôi nhét tất cả tiền lẻ mình kiếm được lẫn tiền được cho vào con heo đất nhỏ màu đỏ, chờ mẹ về để khoe....như một kho báu bí mật 
Mọi ký ức về ông ngoại vẫn luôn hiện rõ trong tâm trí tôi mỗi lúc dù đã cách xa mười mấy năm rồi. Khoảng thời gian bình yên, vô lo vô nghĩ. Thật đẹp biết bao!

Bình luận Facebook

Bình luận Blogspot

Không có nhận xét nào: